Trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình đã có nhiều đương sự yêu cầu chia tài sản chung của hộ gia đình, chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân là quyền sử dụng đất nhưng diện tích đất được chia nhỏ hơn diện tích tối thiểu để tách thửa theo Quyết định 30/2021/QĐ-UBND ngày 20/12/2021 của UBND tỉnh Quảng Trị “Về quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân; điều kiện tách thửa, hợp thửa, diện tích tối thiểu của thửa đất tách thửa và các trường hợp không được tách thửa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” (sau đây viết tắt là QĐ 30/QĐ-UBND). Sau đây là một số vụ án cụ thể:
Vụ án thứ nhất: Ngày 21/11/2022, hộ anh L.Q.A được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 22, tờ bản đồ số 77, tại thôn T.L, xã Q, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với diện tích 867,1 m2 đất (trong đó 200 m2 đất ở và 667,1 m2 đất trồng cây hàng năm khác), trên thửa đất này đã xây dựng 01 ngôi nhà có diện tích 88 m2. Tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ anh A có 03 thành viên gồm anh A, vợ là chị B và con chung là cháu C (đã thành niên). Tòa án xác định thửa đất số 22, tờ bản đồ số 77 là tài sản chung của hộ gia đình. Và tài sản chung của vợ chồng chị A và B là 2/3 thửa đất số 22, tờ bản đồ số 77; của cháu C là 1/3. Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự thống nhất phân chia tài sản chung của vợ chồng và tài sản chung của hộ gia đình như sau: Giao cháu C được quyền quản lý, sử dụng diện tích 274,9 m2, trong đó 88 m2 đất ở và 186,9 m2 đất trồng cây hàng năm khác. Giao cho chị B được quyền quản lý, sử dụng diện tích 291,6 m2, trong đó 56 m2 đất ở và 235,6 m2 đất trồng cây hàng năm khác. Giao cho anh A được quyền quản lý, sử dụng diện tích 291,6 m2, trong đó 56 m2 đất ở và 235,6 m2 đất trồng cây hàng năm khác.
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND thì “Khu vực nông thôn là 60,0 m2, có chiều rộng cạnh mặt tiền tiếp giáp với đường giao thông hiện có tối thiểu là 5,0 m và chiều sâu tối thiểu được tính từ chỉ giới xây dựng (đường giới hạn cho phép xây dựng công trình trên thửa đất) là 12,0 m.
Diện tích thửa đất ở tối thiểu áp dụng tại điểm a, khoản này không bao gồm diện tích đất vườn, ao trong cùng thửa đất đó chưa được công nhận là đất ở. Trường hợp thửa đất không đủ diện tích đất ở tối thiểu để tách thửa thì người sử dụng đất phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định, sau đó mới được tách thửa”.
Vụ án thứ hai: Ngày 15/12/2019,hộ ông K được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích đất 1711,7 m2 (đất trồng cây hàng năm khác), thửa đất số 684, tờ bản đồ số 11, ở thôn X, xã H, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Hộ ông K tại thời điểm cấp GCNQSDĐ có 04 thành viên đều trên 18 tuổi.Ông K khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung của hộ gia đình, theo đó mỗi thành viên được nhận phần diện tích là 427,925 m2 đất trồng cây hàng năm.
Theo quy định a khoản 1 Điều 5 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND thì: “Các loại đất nông nghiệp được phép tách thửa (trừ thửa đất nông nghiệp có nguồn gốc tách ra từ thửa đất ở có vườn, ao) phải đảm bảo điều kiện diện tích tối thiểu như sau:
- Đất trồng cây hàng năm (trừ đất trồng lúa):Các xã đồng bằng: 1.000 m2;”
Vấn đề pháp lý đặt ra là: Tòa án có được quyền quyết định chia diện tích đất các đương sự được nhận nhỏ hơn diện tích tối thiểu (đất ở, đất trồng cây hàng năm) được quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND hay không?
Về vấn đề này có 03 quan điểm như sau:
1. Quan điểm thứ nhất: Tòa án không được ra quyết định chia vì các lý do sau:
- Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND là văn bản quy phạm pháp luật. Tòa án quyết định việc phân chia quyền sử dụng đất cho các đương sự mà có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu tách thửa được quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND của UBND là trái quy định pháp luật.
- Do các đương sự sẽ không làm được các thủ tục tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án sẽ bị kiến nghị hủy với lý do không thể thi hành án.
2. Quan điểm thứ hai: Tòa án vẫn được quyền quyết định, các được sự vẫn được quyền sử dụng phần diện tích đất được chia theo quyết định của Tòa án, nhưng không được tách thửa, không được cấp Giấy chứng nhận quyền dụng đất đối với phần diện tích đất được giao.
3. Quan điểm thứ ba (cũng là quan điểm của tác giả):
Tòa án có quyền phân chia tài sản cho đương sự mà không phụ thuộc vào diện tích tối thiểu được tách thửa được quy định tại quyết định của UBND cấp tỉnh, vì:
- Trong các hình thức sở hữu được pháp luật quy định thì có hình thức sở hữu chung (bao gồm cả sở hữu chung theo phần), việc phân chia của Tòa án hay thỏa thuận về tài sản của đương sự là quyền của đương sự phù hợp với quy định của pháp luật Dân sự về hình thức sở hữu theo các Điều 207, 209 BLDS năm 2015. Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND là văn bản quy phạm pháp luật áp dụng trong trong trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện tách thửa, cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo thủ tục hành chính; còn Bản án, Quyết định của Tòa án không thuộc đối tượng điều chỉnh của QĐ 30/2021/QĐ-UBND mà thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Đất đai.
- Căn cứ pháp lý để Tòa án chia quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 3 Điều 100 Luật Đất đai, đó là: “Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.”.
- Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp này được thực hiện theo Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT).
- Về mặt thực tiễn quy định pháp luật thì theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Quyết định 39/2017/QĐ-UBND ngày 26/12/2017 của UBND tỉnh Quảng Trị (đã được thay thế bằng Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 20/12/2021) không áp dụng quy định diện tích tối thiểu của thửa đất mới hình thành trong trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án của Tòa án đã có hiệu lực thi hành hoặc phân chia quyền sử dụng đất do nhận thừa kế theo quy định của pháp luật.
Trên đây là các quan điểm về việc chia tài sản chung của hộ gia đình, chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân là quyền sử dụng đất nhưng diện tích đất được chia nhỏ hơn diện tích tối thiểu để tách thửa theo Quyết định 30/2021/QĐ-UBND ngày 20/12/2021 của UBND tỉnh Quảng Trị. Xin được trao đổi và mong được nhiều ý kiến tranh luận của đồng nghiệp và bạn đọc.
Nhan Ngọc Đăng – TAND huyện Gio Linh