Trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến hết sức phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của toàn thế giới. Ở trong nước, tỉ lệ người nhiễm bệnh, tỉ lệ người tử vong do nhiễm vi rút Sars Covi 2 cao, việc giãn cách xã hội phải thực hiện nhiều lần để phòng chống dịch. Do đó, hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân nhất là công tác xét xử bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều toà án địa phương do thực hiện giãn cách xã hội nên tỷ lệ giải quyết các loại án thấp, trong đó tỷ lệ thấp nhất là án hành chính có đơn vị chưa đến 35%.
Trước thực trạng đó, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra các giải pháp xét xử trực tuyến các loại án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các vụ án liên quan đến bí mật nhà nước; các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh vừa đảm bảo hiệu quả, tránh trạng tồn đọng các loại án cũng như phù hợp với thời đại số hoá trên nền tảng iternet nhưng việc thực hiện lại chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn. Trong lúc đó pháp luật tố tụng quy định việc “xét xử trực tiếp, bằng lời nói” (Điều 250- BLTTHS; Điều 255- BLTTDS; Điều 152 LTTHC).
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xét xử của Tòa án, ngày 12/11/2021 Ủy ban thường vụ Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết 33/2021/QH15 về tổ chức xét xử trực tuyến. Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 512a/QĐ-TANDTC ngày 19/11/2021 kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 để hệ thống Tòa án các cấp thực hiện. Ngày 15/12/2021 TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP đã ký Thông tư liên tịch số 05/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên toà trực tuyến.
Ngày 08/01/2022, TAND Tối cao tổ chức kết nối, giám sát 3 phiên tòa trực tuyến tại Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Giang với 3 loại án là hình sự, dân sự và hành chính để Tòa án các cấp theo dõi, trao đổi và rút kinh nghiệm.
Tính đến thời điểm hiện nay, TAND các cấp đã tổ chức nhiều phiên toà trực tuyến xét xử các loại án theo luật định, điển hình hệ thống Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An đã xét xử hơn 100 vụ án các loại bằng hình thức trực tuyến.
Đối với TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị đã xét xử trực tuyến 39 vụ án các loại. Toà án tỉnh đã xét xử được 13 vụ, trong đó có 07 vụ HS; 03 vụ DS; 03 vụ HC (số liệu tính đến ngày 23/9/2022).
Kết quả xét xử trực tuyến cho thấy tính hiệu quả cao khi công nghệ số hoá được hệ thống TA áp dụng. Thời lượng tổ chức phiên toà nhanh gọn; người tham gia tố tụng được tham gia tại các điểm cầu thành phần nên tiết kiệm thời gian đi lại, không ảnh hưởng do giao thông đi lại hay địa lý vùng miền mà vẫn đảm bảo quy định của pháp luật..
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi tổ chức phiên toà trực tuyến còn có những vướng mắc, trở ngại cần được trao đổi như sau:
- Cơ sở hạ tầng nơi đặt máy chủ tại trụ sở TAND tỉnh đang sử dụng giải pháp phần mềm TRUECONF để kết nối đường link với các điểm cầu thành phần tại các cơ quan hành chính khác với phần mềm POLYCOM; SYSCOM nên chưa đồng bộ số hoá, xảy ra tình trạng có trường hợp hình ảnh bị mờ, âm thanh không rõ hoặc bị đột ngột mất tín hiệu đường truyền giữa các điểm cầu.
- Về yếu tố con người: Hiện nay, các đơn vị thuộc Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Trị mặc dù đã được trang cấp hệ thống máy móc thuộc nền tảng số nhưng chưa được biên chế về con người là kỹ sư công nghệ hay kỹ thuật viên điện tử để vận hành bảo quản hệ thống thiết bị đã dược trang cấp. Tại các điểm cầu đều do công chức, Thư ký Toà án đảm nhận không đảm bảo được tính chuyên nghiệp và không phù hợp trong thời kỳ số hoá.
- Về yếu tố đương sự: Bị cáo trong vụ án hình sự đang bị tạm giam; Đương sự, người tham gia tố tụng khác trong vụ án dân sự, hành chính thường ở nhiều nơi khác nhau (một số vụ án đương sự ở các tỉnh khác); đương sự là cơ quan nhà nước, là người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước… nên việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải phụ thuộc vào điểm cầu thành phần như: Đối với phiên toà hình sự thì việc trích xuất bị cáo, phòng xét xử bị cáo tại điểm cầu thành phần phải đảm bảo quy định của Trại tạm giam, của nhà tạm giữ và phải có công chức Toà án, sự có mặt của kiểm sát viên VKSND cùng cấp. Đối với vụ án Dân sự, Hành chính thì đương sự trong vụ án thường có số lượng tham gia nhiều nhưng chỉ một vài đương sự xin hoãn phiên toà hoặc vắng mặt không lý do lần thứ nhất mặc dù được TA triệu tập hợp lệ nên phải TA hoãn phiên toà theo Điều 297- BLTTHS; Điều 227- BLTTDS; Điều 162 LTTHC (TA tỉnh phải hoãn 04 vụ án hành chính do vắng mặt đương sự, mặc dù đã dược TA triệu tập hợp lệ lần thứ nhất).
- Ý thức thái độ hợp tác: Việc thực hiện phiên tòa cần có sự chuẩn bị kỹ càng, phối hợp giữa các điểm cầu, tuy nhiên có đương sự không hợp tác hoặc đơn vị nơi tổ chức điểm cầu thành phần (Tòa án cấp huyện, cơ quan hành chính nhà nước) không thể sáp xếp địa điểm, phương tiện do bân công tác nên kế hoạch xét xử trực tuyến không tổ chức được.
- Kiến nghị, đề xuất giải pháp:
a/ Kiến nghị:
- Cần xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 250 BLTTHS; Điều 225 BLTTDS và Điều 152 LTTHC quy định về “Xét xử trực tiếp, bằng lời nói" bổ sung thêm cụm từ “ xét xử trực tiếp, trực tuyến, bằng lời nói".
- Cần sửa đổi bỗ sung Điều 227 BLTTDS và Điều157 LTTHC, không nên quy đinh TA triệu tập hợp lệ đương sự lần thứ nhất đương sự vắng mặt.. thì TA hoãn phiên toà.
- Sửa đổi, bổ sung: Đương sự, người đại diện của họ, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên toà khi được TA triệu tập hợp lệ. Nếu vắng mặt thì TA vẫn xét xử trong trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên toà, trừ trường hợp bất khả kháng.
Để hạn chế phiên toà trực tuyến phải hoãn.
a) Đề xuất giải pháp:
- Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của công chức, người lao đông trong đơn vị, khắc phục mọi khó khăn, thi đua lập thành tích thực hiện tốt phiên toà trực tuyến, hoàn thành và vượt chỉ tiêu cấp trên đề ra, đảm bảo đúng pháp luật và chất lượng xét xử, tránh hiện tượng tồn đọng, kéo dài trong việc giải quyết các loại án.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa TA- VKS- CA, kịp thời trao đổi, giải quyết mọi vướng mắc, bất cập, thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành đã đề ra.
- Đề nghị TANDTC xem xét, tuyển dụng viên chức, công chức có trình độ kỹ sư, kỹ thuật viên tin học phân bổ biên chế, bổ sung kịp thời cho TAND các cấp, trong đó có TA hai cấp tỉnh Quảng Trị.
- Các cơ quan truyền đưa tin kịp thời các phiên toà trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết tầm quan trọng của công nghệ số hoá đã được hệ thống TAND áp dụng trong hoạt động xét xử.
- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huỵện, thị thành phố, thị xã thực hiện tốt Nghị quyết 33/2021 của UBTVQH, Tăng cường sự phối hợp với cơ quan Toà án trong xét xử trực tuyến như: địa điểm phòng xét xử; cử người tham gia phiên toà đúng thành phần, thời gian theo quy định. Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động xét xử của HTND, TAND để nhiệm vụ chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định tạo môi trường lành mạnh trong đầu tư, phát triển kinh tế tỉnh nhà./.
Thẩm phán- Chánh Toà HC
Đinh Viết Nam