Loading...
Skip to main content

Một số vướng mắc trong công tác thi hành án hình sự

(27/09/2022 11:31)

Thi hành án hình sự là giai đoạn cuối cùng trong các hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó buộc người bị xử phạt phải chấp hành hình phạt mà Toà án đã quyết định.

Các giai đoạn tố tụng hình sự gồm: Công tác điều tra, truy tố và xét xử là rất quan trọng. Quyết định hình phạt của Toà án chính là sự đánh giá, sự lên án của Nhà nước đối với hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện.

Nếu chỉ dừng ở mức đánh giá, lên án mà không thực hiện bằng các biện pháp mang tính cưỡng chế đặc trưng của quyền lực nhà nước thì tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa và tính chịu hình phạt hạn chế, thậm chí là không có tác dụng. Chính vì vậy, vai trò của thi hành án hình sự trong hoạt động tố tụng là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Các cơ quan tư pháp trung ương nói chung và Toà án nhân dân tối cao nói riêng cũng đã ban hành một số Thông tư liên tịch, Nghị quyết để hướng dẫn một số quy định của Bộ Luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự về thi hành án hình sự nhằm đảm bảo việc thi hành nghiêm túc các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay. Tuy nhiên, thực tế áp dụng Pháp luật, còn nhiều nội dung mà các văn bản Pháp luật chưa được hướng dẫn hoặc còn thiếu thống nhất.

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ trao đổi một số vướng mắc trong quá trình thi hành hình phạt Cải tạo không giam giữ và thi hành Chế định án treo.

Bộ luật Hình sự năm 2015 ( sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về việc Giao người bị kết án Cải tạo không giam giữ và xử phạt tù cho hưởng án treo để giám sát, giáo dục như sau:

Điều 36. Cải tạo không giam giữ

. . .

2. Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó. . .

Điều 65. Án treo

. . .

2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó

. . .

Tôi không đi sâu phân tích các điều kiện để áp dụng hình phạt Cải tạo không giam giữ và chế định án treo, mà xin trao đổi về cơ chế giám sát, bảo đảm thi hành đối với người bị kết án.

Chúng ta thấy: Án treo và cải tạo không giam giữ có hình thức giống nhau là người thụ án được tự do trong sự giám sát, quản lý và giáo dục của địa phương nơi người bị kết án cư trú, cơ quan nơi người bị kết án công tác.

Trong 2 điều luật đều có quy định: Tòa án giao Người bị kết án cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập. . . để giám sát, giáo dục.

image

Trường hợp Tòa án giao người bị kết án cho cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập. . . để giám sát, giáo dục, sau khi án có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc được ủy thác ban hành Quyết định Thi hành án thì phát sinh nội dung không thống nhất giữa Bộ luật Hình sự và Luật Thi hành án hình sự; cụ thể:

Điều 84, luật Thi hành án hình sự quy định:

Điều 84. Quyết định thi hành án treo

. . .

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án treo, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:

. . .

d) Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo;

. . .

Tại Điều 96, luật Thi hành án hình sự cũng quy định:

Điều 96. Quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ

. . .

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:

. . .

d) Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án;

. . .

Luật Thi hành án hình sự chưa có quy định đầy đủ về việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, thi hành chế định án treo trong trường hợp Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ, người bị phạt tù cho hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập để giám sát, giáo dục. Hiện tại cũng chưa có văn bản hướng dẫn trong trường hợp này nên dẫn đến khó khăn trong việc Thi hành án đối với người bị kết án khi Tòa án giao cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập để giám sát, giáo dục.

Từ thực tiễn áp dụng pháp luật tại Tòa án nhân dân cấp huyện, đã xãy ra một số trường hợp, ví dụ:

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 22/2022/HS-ST ngày 12/4/2022 của Toà án nhân dân huyện T, Hội đồng xét xử đã quyết định “Giao bị cáo Nguyễn Văn N cho Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện T, tỉnh Q giám sát, giáo dục trong thời gian bị phạt cải tạo không giam giữ” là đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật hình sự.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án đã ban hành Quyết định thi hành án hình phạt cải tạo không giam giữ giao người bị kết án Nguyễn Văn N cho Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện T, tỉnh Q giám sát, giáo dục.

Tuy nhiên, Luật Thi hành án hình sự chưa có quy định đầy đủ về việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập để giám sát, giáo dục.

Chính vì vậy, qua bài viết này, tôi xin nêu vướng mắc và đề nghị cấp có thẩm quyền cần sớm có hướng dẫn các nội dung của Thi hành án Hình sự liên quan đến thi hành hình phạt Cải tạo không giam giữ và thi hành chế định án treo; mong cấp có thẩm quyền quan tâm nghiên cứu và hướng dẫn, để đảm bảo sự thống nhất việc áp dụng pháp luật nói chung và áp dụng pháp luật Thi hành án hình sự nói riệng./.

Nguyễn Xuân Huyến

TAND thành phố Đông Hà


Ý kiến bạn đọc

0 Bình luận

Ý kiến bình luận

Đổi mã xác nhận

Các tin khác

Lượt xem: 750
cdscv