Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng, khơi dậy phát động phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Người coi đây là những biện pháp căn bản để tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, muốn chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, thực hiện có chất lượng, hiệu quả thì phải có đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, đạo đức, trách nhiệm, chuyên môn cao. Đồng thời, có kinh nghiệm thực tiễn và quan trọng là có tâm huyết với công việc. Bên cạnh đó có năng lực, trình độ để tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo đơn vị trong việc chỉ đạo thực hiện công tác thi đua.
Trong những năm gần đây, công tác Thi đua Khen thưởng tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có nhiều đổi mới, các phong trào như Thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng các ngày lễ lớn, trọng đại của quê hương Kỷ niệm ngày truyền thống Tòa án nhân dân; Phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án hành chính, hình sự, dân sự,…Tuy nhiên, qua theo dõi thấy rằng việc phát động phong trào thi đua ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự gắn với nội dung thi đua.
Để đổi mới công tác Thi đua Khen thưởng nói chung và Thi đua Khen thưởng của hệ thống Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Trị trong điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong thời gian tới, xin đưa ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác Thi đua Khen thưởng. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần quan tâm đến việc củng cố kiện toàn tổ chức và bộ máy, đội ngũ công chức làm công tác Thi đua Khen thưởng có phẩm chất, có năng lực, trình độ, nhạy bén trong công tác tham mưu, năng động, sáng tạo, yêu ngành, yêu nghề, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Thứ hai: Trong công tác Thi đua Khen thưởng, lãnh đạo, công chức, người lao động phải nhận thức đúng về trách nhiệm của bản thân mình đối với công tác Thi đua Khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương của Tòa án nhân dân phát động. Bên cạnh đó, phong trào thi đua cần có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các tổ chức, đoàn thể trong cơ quan, đơn vị nhằm tạo ra sự thống nhất trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua.
Thứ ba: Một vấn đề quan trọng đó là nâng cao nhận thức cho công chức làm công tác Thi đua Khen thưởng. Muốn làm được việc này thì cần phải tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức cho cán bộ làm công tác Thi đua Khen thưởng. Làm thế nào để cho mọi người thấy rằng công tác Thi đua Khen thưởng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống Tòa án nhân dân, của quê hương, của đất nước.
Thứ tư: Kiện toàn đội ngũ làm công tác Thi đua Khen thưởng. Hiện nay trong hệ thống Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Trị, cán bộ làm công tác Thi đua Khen thưởng chuyên trách còn hạn chế, hầu hết là kiêm nhiệm. Những cán bộ này một lúc đảm nhiệm nhiều công việc như: Thư ký tố tụng, tổng hợp, kế toán, văn thư. Thông qua công tác Thi đua Khen thưởng thấy rằng số lượng công chức kiêm nhiệm nhiều, áp lực công việc lớn nên chất lượng về công tác Thi đua Khen thưởng chưa cao. Việc phát động phong trào Thi đua còn mang tính hình thức dẫn đến chất lượng phong trào Thi đua chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Thứ năm: Trong việc phát động phong trào thi đua cần đổi mới để phù hợp với từng đơn vị. Trong đó chú trọng hoạt động thi đua khen thưởng đột xuất, chuyên đề nhằm phát hiện gương điển hình tiên tiến. Các phong trào thi đua phát động phải có chủ đề, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan, đơn vị, đất nước, của địa phương, của Tòa án nhân dân. Lựa chọn những cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu để chỉ đạo, phát động phong trào thi đua xem đây là biện pháp đột phá trong việc phát động phong trào thi đua.
Trên cơ sở phát động phong trào thi đua thì việc biểu dương, khen thưởng phải kịp thời, công khai, minh bạch, quan tâm khen thưởng những tập thể nhỏ, cá nhân nhất là những người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Thứ sáu: Đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng sáng kiến Khoa học, xây dựng tiêu chí bình xét thi đua, hình thức và danh hiệu phù hợp với đặc thù công việc của hệ thống Tòa án nhân dân. Trên cơ sở đó, Hội đồng sáng kiến có cơ sở để xem xét, khen thưởng công bằng, khách quan, đảm bảo kịp thời nhằm động viên công chức, người lao động trong hệ thống thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Thông qua thực tiễn làm công tác Thi đua Khen thưởng xin đưa ra một số giải pháp để các đồng chí tham khảo nhằm đưa phong trào thi đua hệ thống Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Trị đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong thời gian tới.
Nguyễn Quốc Anh
Phòng TCCB TAND tỉnh Quảng Trị