Theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trên cơ sở tham khảo các văn bản hướng dẫn Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2011 và các giải đáp của TANDTC, có thể rút ra một số vấn đề sẽ trao đổi trong bài viết này.
Giải quyết các vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất, thông thường Tòa án còn phải xem xét tính hợp pháp của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định cá biệt có liên quan đến đối tượng tranh chấp. Trong trường hợp, xét thấy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ việc dân sự thì, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt đó theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật tố tụng dân sự .
Tuy nhiên, vấn đề thụ lý và giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất có liên quan đến quyết định cá biệt còn nhiều quan điểm chưa thống nhất, đó là:
1/. Vụ án tranh chấp dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt đang được Tòa án cấp huyện giải quyết, Tòa án cấp huyện có thẩm quyền xem xét, đánh giá tính hợp pháp của quyết định cá biệt đó hay không? trong thời gian vừa qua, có một số Tòa án cấp huyện đã chuyển vụ án tranh chấp dân sự về quyền sử dụng đất có liên quan đến quyết định cá biệt cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thẩm quyền, vì cho rằng quyết định cá biệt trong vụ án tranh chấp dân sự là trái pháp luật. Một số vụ án đượcTòa án cấp tỉnh chấp nhận thụ lý vụ án, nhưng có trường hợp Tòa án cấp tỉnh chuyển trả lại cho Tòa án cấp huyện giải quyết, vì cho rằng “chưa có căn cứ rõ ràng phải hủy quyết định cá biệt hay không”.
2/. Tòa án cấp huyện đang thụ lý, giải quyết vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất, bị đơn trong vụ án đó khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án cấp tỉnh yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (là quyết định cá biệt trong vụ án dân sự).
Như vậy, trong cùng một sự việc, nhưng vấn đề về quan hệ pháp luật dân sự đang do Tòa án cấp huyện giải quyết, về quan hệ pháp luật hành chính đang do Tòa án cấp tỉnh giải quyết. Kết quả giải quyết của các vụ án đều có liên quan đến nhau, vì vậy, trong thời gian qua có Tòa án cấp huyện ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự chờ kết quả giải quyết vụ án hành chính, cũng có trường hợp Tòa án cấp tỉnh ra quyết định tạm đình chỉ vụ án hành chính chờ kết quả giải quyết vụ án dân sự và cũng có trường hợp Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp huyện đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, từ đó có sự không thống nhất về áp dụng pháp luật.
Trước đây, theo quy định tại Điều 32a của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, đã được sửa đổi, bổ sung theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự quy định, khi có yêu cầu của đương sự trong vụ án thì Tòa án mới xử lý, xem xét hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật. Hiện nay, theo khoản 1 Điều 34 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự mà không phụ thuộc vào việc đương sự có yêu cầu hay không.
Theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trên cơ sở tham khảo các văn bản hướng dẫn Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2011 và các giải đáp của TANDTC, có thể rút ra một số vấn đề sẽ trao đổi trong bài viết này.
1. Trường hợp Tòa án cấp tỉnh thụ lý vụ án hành chính:
Ban đầu người khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tòa án đã thụ lý vụ án hành chính; sau đó, người khởi kiện bổ sung yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai có liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đối tượng khởi kiện ban đầu.
Tình huống nêu trên đã được hướng dẫn tại Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2018 của Tòa án nhân dân tối cao (sau đây viết tắt là Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2018), cụ thể:
Tòa án phải hướng dẫn đương sự rút đơn khởi kiện vụ án hành chính để khởi kiện vụ án dân sự. Trường hợp đương sự rút đơn khởi kiện vụ án hành chính, đồng thời có đơn khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp về đất đai thì Tòa án căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 143 của Luật Tố tụng hành chính để đình chỉ giải quyết vụ án hành chính và xem xét, thụ lý đơn khởi kiện để giải quyết bằng vụ án dân sự theo thủ tục chung. Trường hợp đương sự không rút đơn khởi kiện thì Tòa án căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 141 của Luật Tố tụng hành chính tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả giải quyết vụ án dân sự. Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết tranh chấp đất đai và giải quyết yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến nhau và có thể giải quyết trong cùng một vụ án thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào khoản 1 Điều 34 của Luật Tố tụng hành chính và Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết đồng thời hai yêu cầu của đương sự trong cùng một vụ án theo thủ tục chung do pháp luật tố tụng dân sự quy định.
Phân tích các tình tiết hướng dẫn tại Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2018, ta thấy:
(1). Vụ án hành chính đã thụ lý, chưa xuất hiện đơn khởi kiện tranh chấp dân sự;
(2). Người khởi kiện trong vụ án hành với người khởi kiện trong vụ án dân sư là một;
(3). Tranh chấp đất đai có liên quan đến Giấy CNQSD đất là đối tượng của vụ án hành chính đã thụ lý;
(4). Vụ án hành chính và vụ án tranh chấp dân sự đều do Tòa án cấp tỉnh thụ ý, giải quyết;
(5) Khi giải quyết vụ án tranh chấp đất đai và giải quyết yêu cầu hủy Giấy CNQSD đất và có thể giải quyết trong cùng một vụ án thì Tòa án cấp tỉnh căn cứ khoản 1 Điều 34 của Luật TTHC để giải quyết.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên hủy Giấy CNQSD đất do UBND huyện X cấp cho ông Nguyễn Văn B, vì cho rằng diện tích đất mà UBND huyện X công nhận cho ông Nguyễn Văn B chồng lên diện tích đất mà ông Nguyễn Văn A đang sử dụng, có giấy tờ hợp pháp.
Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, ông Nguyễn Văn A bổ sung yêu cầu khởi kiện tranh chấp về quyền sử dụng đất. Theo Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2018, Tòa án thụ lý vụ án dân sự và tạm đình chỉ giải quyết vụ án hành chính.
Với tình huống nêu trên, vụ án dân sự phải giải quyết trước là hợp lý bởi vì: UBND huyện X cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đất đai. Quyền sử dụng đất của người sử dụng đất có trước Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc giải quyết vụ án dân sự sẽ xem xét các giấy tờ về nguồn gốc sử dụng đất trước thời điểm cấp Giấy CNQSD đất, xác định ai là người sử dụng đất hợp pháp. Nếu thông qua xem xét giấy tờ về quyền sử dụng đất, xác định diện tích đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của Nguyễn Văn B thì không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyễn Văn A. Nếu thông qua giấy tờ về quyền sử dụng đất mà xác định diện tích đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của Nguyễn Văn A, thì chấp nhận yêu cầu khởi kiện, đồng thời áp dụng Điều 34 của BLTTDS, tuyên hủy Giấy CNQSD đất đã cấp cho Nguyễn Văn B.
2. Trường hợp Tòa án cấp huyện thụ lý vụ án dân sự:
2.1. Trong quá trình giải quyết vụ án đương sự trong vụ án (nguyên đơn hoặc bị đơn) khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền đối với quyết định cá biệt,Tòa án cấp tỉnh thụ lý vụ án hành chính.
Trường hợp này hoàn toàn khác với tình huống đã được hướng dẫn tại Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2018, đó là vụ việc dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất đang do Tòa án cấp huyện giải quyết và quyết định cá biệt có liên quan đang do Tòa án cấp tỉnh giải quyết.
Điều 32a của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, đã được sửa đổi, bổ sung theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011(sau đây viết tắt là Điều 32a của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004) và Điều 34 của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành không thay đổi về thẩm quyền của Tòa án và căn cứ hủy quyết định cá biệt trái pháp luật, chỉ khác là theo quy định Điều 32a của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 phải có yêu cầu của đương sự, nhưng nay theo Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành thì không bắt buộc phải có yêu cầu của đương sự, mà khi xem xét giải quyết vụ việc dân sự chứng minh được rằng Giấy CNQSD đất đã cấp trái pháp luật thì Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật đó.
Mặc dù Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2014 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 01/2014) hướng dẫn thi hành Điều 32a của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, nhưng về thẩm của Tòa án trong việc xem xét hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp của cơ quan, tố chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết vẫn đang còn phù hợp để vận dụng khi Tòa án áp dụng Điều 34 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
- Về xác định thẩm quyền của Tòa án hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật, khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 01/2014 quy định:
“ 2. Trường hợp sau khi Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý vụ việc dân sự, đương sự mới bổ sung yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 30 Luật Tố tụng hành chính ban hành và thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thì Tòa án nhân dân cấp huyện ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thẩm quyền quy định của BLTTDS”.
- Về xác định thẩm quyền trong trường hợp đương sự có yêu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật trong vụ việc dân sự, đồng thời có đơn khiếu nại hoặc đơn khởi kiện vụ án hành chính, Điều 8 của thông tư liên tịch số 01/2014 quy định:
“Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, nếu đương sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật, thì Tòa án phải hỏi đương sự để làm rõ về việc ngoài yêu cầu này, đương sự có đơn khiếu nại theo pháp luật khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính hay không.
Trường hợp đương sự có đơn khiếu nại theo pháp luật khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định cá biệt đó, thì Tòa án hướng dẫn đương sự như sau:
1. Trường hợp quyết định cá biệt liên quan đến một người mà người đó có yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật trong vụ việc dân sự mà Tòa án đang giải quyết, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền đối với quyết định cá biệt đó, thì Tòa án yêu cầu đương sự phải làm văn bản lựa chọn hình thức giải quyết đối với quyết định cá biệt để khẳng định việc khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, hoặc yêu cầu hủy quyết định cá biệt đó trong cùng vụ việc dân sự. Nếu đương sự không làm văn bản lựa chọn, thì Tòa án phải lập biên bản về việc đương sự không lựa chọn hình thức giải quyết.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Tòa án, nếu đương sự không có văn bản lựa chọn hình thức giải quyết đối với quyết định cá biệt hoặc văn bản lựa chọn tiếp tục khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, mà việc giải quyết đối với quyết định cá biệt này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vụ việc dân sự mà Tòa án đang xem xét giải quyết, thì Tòa án căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTTDS để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, chờ kết quả giải quyết khiếu nại hoặc kết quả giải quyết vụ án hành chính đối với quyết định cá biệt đó. Tòa án phải gửi ngay quyết định tạm đình chỉ này cho đương sự, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc Tòa án đang giải quyết vụ án hành chính đối với quyết định cá biệt đó và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp…”.
Vận dụng hướng dẫn nêu trên, có thể xử lý như sau:
2.1.1. Trường hợp người khởi kiện vụ án hành chính đồng thời là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất.
Sau khi thụ lý vụ án hành chính, Tòa án cấp tỉnh yêu cầu Tòa án cấp huyện ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án tranh chấp dân sự cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, Tòa án cấp tỉnh áp dụng Giải đáp số 02/2018 ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án hành chính, chờ kết quả giải quyết vụ án dân sự.
2.1.2. Trường hợp người khởi kiện là bị đơn trong vụ án tranh chấp dân sự đang do Tòa án cấp huyện giải quyết, thì Tòa án cấp tỉnh vẫn phải thụ lý vụ án hành chính.
Nếu xét thấy, việc giải quyết vụ án hành chính có đối tượng là quyết định cá biệt ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vụ án dân sự mà Tòa án cấp huyện đang xem xét, giải quyết thì Tòa án cấp huyện đó căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 214 của Bộ luật tố tụng dân sự để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, chờ kết quả giải quyết vụ án hành chính đối với quyết định cá biệt đó.
2.2. Trong quá trình giải quyết vụ án có đương sự trong vụ án có yêu cầu hủy quyết định cá biệt, nhưng không khởi kiện vụ án hành chính.
2.2.1. Trường hợp nguyên đơn có yêu cầu hủy quyết định cá biệt.
+ Trường hợp, trong đơn khởi kiện, người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất đồng thời có yêu cầu hủy quyết định cá biệt là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Bộ luật tố tụng dân sự ( theo hướng dẫn tại điểm 7 phần IV Giải đáp số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của Tòa án nhận dân tối cao về giải đáp một số vướng mắc trong xét xử),Tòa án cấp huyện đã thụ lý vụ án chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thẩm quyền.
+ Trường hợp, ban đầu người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, không yêu cầu Tòa án giải quyết hủy quyết định cá biệt là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn bổ sung yêu cầu hủy quyết định cá biệt là Giấy CNQSD đất của bị đơn, thì Tòa án cấp huyện ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thẩm quyền theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật tố tụng dân sự (trường hợp này vận dụng theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2014).
2.2.2. Trường hợp bị đơn có yêu cầu hủy quyết định cá biệt:
Nếu trong quá trình giải quyết vụ án mà bị đơn có yêu cầu hủy quyết định cá biệt là Giấy CNQSD đất của nguyên đơn.
Theo khoản 4 Điều 32 của Luật tố tụng hành chính thì việc xem xét, hủy quyết định cá biệt là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có liên quan trong vụ án dân sự được quy định tại Điều 34 của Bộ luật tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh, không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện. Do đó, không vì xem nặng yếu tố bị đơn có yêu cầu, Tòa án cấp huyện chỉ xem xét, giải quyết vụ án dân sự trong phạm vi quan hệ dân sự. Cơ sở này dựa trên những lập luận sau:
-Yêu cầu của đương sự (bị đơn) không phải là yêu cầu (phản tố) vì yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là yêu cầu của đương sự đối với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nguyên đơn chứ không phải yêu cầu (kiện ngược lại) của đương sự (bị đơn) đối với nguyên đơn.
- Yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận trong trường hợp này sẽ không ảnh hưởng đến quyết định cá biệt mà bị đơn có yêu cầu hủy.
Trên đây là quan điểm của cá nhân về giải quyết một số vướng mắc đối với vụ án tranh chấp dân sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt theo Điều 34 của BLTTDS năm 2015. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi, đóng góp từ phía bạn đọc./.
Lê Công Hải
Thẩm tra viên chính
Phòng KTNV &THA