Thực tiễn xét xử cho thấy, việc giải quyết các vụ án dân sự được thụ lý, giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hủy các Bản án sơ thẩm, phúc thẩm còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về các bước trình tự, thủ tục khi thụ lý, giải quyết lại vụ án (ví dụ giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan); Thông thường thì các Thẩm phán tùy theo các tình tiết, chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án để lên kế hoạch tố tụng chi tiết cho vụ án đó, ví dụ: Nếu vụ án đã thi hành án xong thì phải xác minh tại cơ quan thi hành án về kết quả thi hành án, ghi lời khai của các đương sự về kết quả thi hành bản án trước đó.v.v... để làm căn cứ giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có), vì bản án, quyết định trước khi bị hủy theo thủ tục Giám đốc thẩm, Tái thẩm thì đã có hiệu lực thi hành một thời gian nhất định, nhiều trường hợp Cơ quan thi hành án đã thi hành xong bản án, quyết định.
Vì lý do trước đó nguyên đơn đã được Tòa án xử thắng kiện, đã được thi hành án xong các quyền lợi theo yêu cầu của mình nên sau khi bản án, quyết định bị hủy theo thủ tục Giám đốc thẩm, Tái thẩm thì đa phần nguyên đơn sẻ rút đơn khởi kiện hoặc Tòa án triệu tập nhưng nguyên đơn thường cố tình vắng mặt, không đến Tòa án làm việc nữa, điều này gây khó khăn nhất định cho các Thẩm phán khi giải quyết vụ án.
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác cũng được đặt ra khi giải quyết hậu quả của việc thi hành án, ví dụ như: giải quyết hậu quả đó như thế nào, xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án, hoặc nếu có thiệt hại xảy ra thì ai là người phải bồi thường (Tòa án ra bản án bị hủy phải bồi thường, hay người đã được thi hành án theo bản án bị hủy).v.v...
Dưới đây là một vụ án cụ thể:
Năm 2007 ông Đ có mua 10ha cây rừng trồng để khai thác của các bị đơn (các ông X,B,C) với giá 300.000.000đ; khi đến giao dịch mua bán và thanh toán tiền thì có bà H đi cùng ông Đ (Bà H thường làm ăn, buôn bán chung với ông Đ). Ông Đ viết giấy mua bán đưa cho các bị đơn ký mà trong giấy mua bán thể hiện bên mua là ông Đ, không có tên bà H, điều này bà H không để ý, nhưng sau đó bà H cho rằng tiền mua cây là của bà H chứ không phải của ông Đ, hai người làm ăn chung. Câu chuyện tạm lắng xuống, chưa xảy ra tranh chấp.
Đến năm 2012 bà H tiến hành khai thác cây rừng trồng, không có mặt ông Đ (các bị đơn có thông báo cho ông Đ và bà H đến khai thác nhưng ông Đ không đến, chỉ có bà H đến khai thác), sau đó ông Đ làm đơn tố cáo bà H về hành vi trộm cắp tài sản. Bà H bị khởi tố và truy tố về tội “trộm cắp tài sản”. Năm 2013, TAND tỉnh Q xét xử vụ án hình sự, tuyên bà H không phạm tội trộm cắp tài sản, mà xác định đây chỉ là tranh chấp dân sự giữa các bên.
Cuối năm 2013, Nguyên đơn ông Hoàng Trọng Đ khởi kiện các bị đơn (các ông X,B,C), yêu cầu trả tiền từ hợp đồng mua bán cây rừng trồng, với số tiền là 300.000.000đ. Vì ông Đ cho rằng, các bị đơn đã nhận tiền của ông Đ về việc bán cây nhưng lại để cho bà H khai thác, nên phải trả lại tiền cho ông Đ.
Tại Bản án số 06/2014/KDTM-ST ngày 17/4/2014 của TAND tỉnh Q đã xét xử, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ba bị đơn (X, B, C) phải trả cho ông Đ số tiền 300.000.000đ. Các bị đơn kháng cáo, cấp phúc thẩm bác kháng cáo và y án sơ thẩm (Tòa phúc thẩm TANDTC tại ĐN).
Bản án được thi hành, ông Đ thỏa thuận, giảm cho các bị đơn 60.000.000đ, chỉ yêu cầu các bị đơn phải trả số tiền 240.000.000đ, các bị đơn đã thi hành án dân sự xong, trả cho ông Đ 240.000.000đ và đã thi hành xong phần án phí KDTM-ST và án phí KDTM-PT là 15.600.000đ (mỗi bị đơn phải chịu 5.200.000đ tiền án phí sơ thẩm và phúc thẩm). Đồng thời trong thời gian đó, các bị đơn có làm đơn gửi TANDTC xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nói trên.
Chánh án TANDTC đã kháng nghị Giám đốc thẩm vụ án này.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 27/2017/KDTM-GĐT ngày 15/11/2017 của Tòa án nhân dân tối cao, đã căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 337, khoản 3 Điều 343, Điều 345 BLTTDS, chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TANDTC, hủy Bản án KDTM phúc thẩm của Tòa án CCĐN (nguyên là Tòa phúc thẩm TANDTC tại ĐN) và Bản án KDTM sơ thẩm của TAND tỉnh Q. Giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Q xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Với các lý do hủy án như sau:
(1) Xác định đây là loại án tranh chấp dân sự theo khoản 3 Điều 26 BLTTDS chứ không phải loại án KDTM theo Điều 30 BLTTDS;
(2) Xác định Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là sai. Các bị đơn không có nghĩa vụ dân sự với nguyên đơn, mà chỉ có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bà H) là có phát sinh nghĩa vụ dân sự với nguyên đơn, nên cần bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; ông Đ có thể làm đơn khởi kiện bà H bằng một vụ án dân sự khác nếu có yêu cầu.
Đầu năm 2018, TAND tỉnh Q nhận được hồ sơ vụ án. Lúc này Tổ hành chính - Tư pháp gặp lúng túng trong việc có thụ lý lại vụ án hay không, lý do là vì Tòa án gửi Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho ông Đ nhưng ông Đ không chịu nộp, tiền tạm ứng án phí mà ông Đ đã nộp khi khởi kiện ban đầu thì Cục thi hành án đã trả lại cho ông Đ theo bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đó. Mãi đến ngày 14/5/2020 Tổ HC-TP Tòa án nhân dân tỉnh Q mới tiến hành thụ lý hồ sơ vụ án mặc dù ông Đ vẫn không chịu nộp tiền tạm ứng án phí DSST. Câu hỏi đặt ra là: nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng án phí thì xử lý thế nào?; Theo quan điểm của chúng tôi thì việc Tổ HC-TP phải thụ lý hồ sơ vụ án khi TANDTC chuyển hồ sơ về lại để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là đúng, không cần thiết phải ra Thông báo cho nguyên đơn nộp lại tiền tạm ứng án phí DSST, vì trong Quyết định Giám đốc thẩm đã ghi là “giao hồ sơ cho TAND tỉnh Q thụ lý, giải quyết sơ thẩm lại theo thủ tục chung”.
Sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Q thụ lý lại vụ án thì ông Đ xin rút đơn khởi kiện, nhưng các bị đơn không đồng ý, và các bị đơn yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của việc thi hành án, yêu cầu ông Đ phải trả lại 240.000.000đ đã được thi hành án và yêu cầu Cục thi hành án dân sự tỉnh Q phải trả lại 15.600.000đ tiền án phí mà các bị đơn đã nộp.
TAND tỉnh Q ra “Quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn” số 01/2020/QĐST-DS ngày 18/6/2020, trong quyết định có ghi “Tòa án tiếp tục giải quyết hậu quả của việc thi hành án và các vấn đề liên quan theo yêu cầu của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”; ngoài ra Quyết định còn tuyên “đương sự có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định này trong hạn 07 ngày...”; đồng thời TAND tỉnh Q ra “Thông báo thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự”, nguyên đơn trở thành bị đơn, bị đơn trở thành nguyên đơn, Thông báo được gửi cho các đương sự và VKSND cùng cấp.
Ông Đ làm đơn kháng cáo “Quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn” trong thời hạn quy định, thay đổi ý kiến là không rút đơn khởi kiện nữa mà vẫn yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án.
Tại “Quyết định giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự” số 196/2020/QĐ-DSPT ngày 22/9/2020 của TAND cấp cao tại ĐN đã hủy “Quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn” số 01/2020/QĐST-DS ngày 18/6/2020 của TAND tỉnh Q với các lý do như sau:
Thứ nhất, về mặt hình thức, theo quy định của khoản 4 Điều 217 BLTTDS thì về hình thức quyết định, Tòa án chỉ ra “Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án” nhưng TAND tỉnh Q đã ban hành “Quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn” là không đúng quy định;
Thứ hai, về mặt nội dung, tại “Quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn” số 01/2020/QĐST-DS ngày 18/6/2020, TAND tỉnh Q không đồng thời giải quyết hậu quả của việc thi hành án là thiếu sót.
Qua nội dung vụ án nêu trên, theo quan điểm của chúng tôi, Tòa án cấp phúc thẩm đã đưa ra các lý do để hủy “Quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn” của Tòa án cấp sơ thẩm là chưa chính xác (chúng tôi sẽ phân tích vấn đề này cụ thể); Mặt khác, nhận thấy khi thụ lý giải quyết lại vụ án này vẫn còn nhiều vướng mắc, vì vậy, thông qua bài viết này, chúng tôi muốn phân tích làm rõ về cơ sở lý luận, kinh nghiệm thực tiễn và đưa ra các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc đó, cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
Vấn đề này tại Công văn 64/TANDTC-PC ngày 3-4-2019 (viết tắt là CV 64) về giải đáp trực tuyến của Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn như sau:
Trong trường hợp vụ án đã có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hủy án để xét xử lại, quá trình giải quyết lại sơ thẩm, nguyên đơn rút toàn bộ đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt nhưng họ không đề nghị xét xử vắng mặt hoặc không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải được sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do vậy, trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt nhưng họ không đề nghị xét xử vắng mặt hoặc không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, Tòa án phải hỏi ý kiến của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về việc có đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án hay không, có yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan hay không và tùy từng trường hợp xử lý như sau:
- Trường hợp bị đơn không đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án, yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan thì Tòa án ra quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn, xác định lại tư cách bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn.
- Trường hợp bị đơn đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án, yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan, yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn, đình chỉ yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có); người có quyền, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan yêu cầu Tòa án giải quyết thì trở thành bị đơn. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
- Trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án, không yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án và giải quyết vấn đề án phí, không giải quyết vấn đề hậu quả của việc thi hành án.
- Trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai để hỏi ý kiến về việc có đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án hay không, có yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan không nhưng vẫn vắng mặt nhưng không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì coi như đồng ý đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Như vậy, theo hướng dẫn của Công văn 64/TANDTC-PC nêu trên thì TAND tỉnh Q ra “Quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn” là đúng theo hướng dẫn. Mặc dù trong BLTTDS chưa có quy định nào về việc “Tòa án ra quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn” và cũng chưa có mẫu văn bản tố tụng ban hành, nhưng việc hướng dẫn của TANDTC là cần thiết, phù hợp với thực tiễn và các Tòa án địa phương cần phải thực hiện. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định TAND tỉnh Q đã ban hành “Quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn” là không đúng quy định vì vậy đã hủy quyết định với lý do nói trên là thiếu căn cứ, chưa phù hợp với hướng dẫn tại CV 64.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn nhận định: “về mặt nội dung, tại “Quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn” số 01/2020/QĐST-DS ngày 18/6/2020, TAND tỉnh Q không đồng thời giải quyết hậu quả của việc thi hành án là thiếu sót”. Theo quan điểm của chúng tôi, lý do hủy án này của cấp phúc thẩm là không chính xác.
Khi ban hành “Quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn” số 01/2020/QĐST-DS ngày 18/6/2020, TAND tỉnh Q không thể đồng thời giải quyết hậu quả của việc thi hành án trong quyết định đó được mà Tòa án phải ra Thông báo thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự, sau đó tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Đây cũng được coi là Tòa án đã đồng thời giải quyết hậu quả của việc thi hành án.
Tuy nhiên, qua việc giải quyết vụ án nêu trên, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải được hiểu và hướng dẫn thống nhất, chúng tôi nêu ra vấn đề và đề xuất quan điểm giải quyết dựa trên cơ sở luật định, đó là:
Thứ nhất, trong “Quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn” có tuyên quyền kháng cáo cho các đương sự hay không, có tuyên quyền kháng nghị cho VKS hay không?.
Vấn đề này theo chúng tôi là có, vì quyết định đã làm thay đổi tính chất pháp lý của đương sự, liên quan đến quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự nên phải tuyên quyền kháng cáo cho họ (điều này cũng tương tự như việc nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện theo điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS).
Theo nội dung vụ án thì ông Đ rút đơn khởi kiện nhưng trong thời hạn kháng cáo lại thay đổi việc rút đơn, nên Tòa án cấp phúc thẩm có thể hủy Quyết định sơ thẩm với lý do này, việc hủy án này được xác định là không có lỗi của cấp sơ thẩm (khách quan).
Thứ hai, trong “Quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn” có thực hiện luôn việc thay đổi địa vị tố tụng của đương sự hay không, hay là phải ban hành bằng một Thông báo riêng? (Thông báo thay đổi địa vị tố tụng của đương sự).
Theo quan điểm của chúng tôi, vì trường hợp này còn mới, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể nên việc Tòa án cấp sơ thẩm ban hành “Thông báo thay đổi địa vị tố tụng của đương sự” là không sai, cũng đảm bảo quyền và nghĩa vụ tố tụng của các đương sự (Tương tự như việc Tòa án ra Thông báo thay đổi, chấm dứt, bổ sung người tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự thông thường).
Thứ ba, khi thụ lý, giải quyết lại vụ án này thì Tòa án có đưa Cục thi hành án dân sự tỉnh Q vào tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không?”, vì các bị đơn có yêu cầu Cục thi hành án trả lại tiền án phí đã thu.
Theo quan điểm của chúng tôi thì không đưa Cục thi hành án dân sự tỉnh Q vào tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”, vì Cục thi hành án dân sự chỉ thi hành Bản án của Tòa án theo Luật thi hành án dân sự, nếu Bản án đó bị hủy theo trình tự Giám đốc thẩm, tái thẩm thì khi có Bản án, quyết định mới thay thế (giải quyết hậu quả của việc thi hành án) thì Cục thi hành án dân sự sẽ thi hành án theo Bản án mới đó.
Thứ tư, khi giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các bị đơn yêu cầu ông Đ phải trả thêm tiền lãi suất, vì ông Đ đã thụ hưởng số tiền này nhiều năm, nếu không tính lãi thì các bị đơn sẽ bị thiệt hại. Các bị đơn cho rằng, nếu nguyên đơn không phải chịu khoản tiền lãi theo quy định, thì Cục thi hành án dân sự tỉnh Q, Tòa án nhân dân tỉnh Q (đã ra bản án và bản án bị hủy theo thủ tục GĐT) phải bồi thường khoản thiệt hại này (tương ứng với tiền lãi suất gửi ngân hàng). Yêu cầu của các bị đơn có được chấp nhận không?.
Vấn đề này theo quan điểm của chúng tôi thì, đối với ông Đ là người được thi hành án khoản tiền 240.000.000đ theo Bản án có hiệu lực của Tòa án, cho nên ông Đ chỉ có trách nhiệm hoàn trả lại khoản tiền này cho các bị đơn chứ không phải chịu thêm một khoản tiền bồi thường nào. Vì ông Đ không có nghĩa vụ dân sự nào phát sinh đối với các bị đơn cho đến khi Tòa án tuyên Bản án có hiệu lực pháp luật, buộc ông Đ phải trả lại khoản tiền này (Tòa án giải quyết về hậu quả của việc thi hành án).
Trên thực tế thì các bị đơn cũng có thiệt hại xảy ra, số tiền 240.000.000đ họ đã thi hành án cách đây hơn 06 năm, giờ chỉ được tuyên nhận lại số tiền đó thì họ đã bị thiệt hại (tiền mất giá, lạm phát, tiền vay mượn...); nhưng vấn đề này cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm bồi thường Nhà nước như thế nào?, Thụ lý bằng một vụ án về yêu cầu Tòa án phải bồi thường do Bản án trái pháp luật (bị hủy) gây ra hay giải quyết trong cùng vụ án dân sự này?.
Theo quan điểm của chúng tôi, hiện nay, Tòa án chỉ giải quyết về hậu quả của việc thi hành án chứ không phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đối với chủ thể nào, kể cả Tòa án đã ra bản án và bị hủy theo thủ tục Giám đốc thẩm, Tái thẩm hay người được thi hành án theo Bản án đã bị hủy đó (giả thiết xác định có thiệt hại xảy ra).
Trên đây là một vụ án cụ thể và các vấn đề còn vướng mắc khi giải quyết các loại án này, chúng tôi trình bày các quan điểm riêng của mình để tháo gỡ những vướng mắc đó và mong nhận được sự tham gia trao đổi, thảo luận của các đồng nghiệp.
Tiến sỹ, Thẩm phán: Lê Văn Luật
Giảng viên kiêm chức HVTA
Trưởng phòng nghiệp vụ TAND tỉnh Quảng Trị