Đakrông là huyện miền núi, có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Trong thời gian qua trên địa bàn huyện Đakrông xảy ra nhiều vụ án hủy hoại rừng với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp. Qua thực tiễn xét xử loại tội này, còn có một số vướng mắc trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng của Ban quản lý rừng phòng hộ, xin được trao đổi như sau:
Nội dung vụ án: Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2018, bị cáo Hồ Thị Ta L nảy sinh ý định đi tìm đất, sau đó bàn bạc với bị cáo Hồ Văn M vào khu vực rừng phòng hộ H - Đ phát rừng lấy đất làm rẫy. Bị cáo L thuê ba người và trực tiếp luỗng phát phát 10.100 m2 (1,01 ha) rừng. Sau khi bị phát hiện, mặc dù đã bị cơ quan chức năng đình chỉ và cam kết không tiếp tục phá rừng, nhưng vào đầu tháng 6/2018, bị cáo M dùng máy cưa xăng, bị cáo L dùng rựa tiếp tục đốn hạ toàn bộ cây gỗ, có khối lượng gỗ là 26,211 m3 và 15 ster củi.
Trong vụ án này, xác định Ban quản lý rừng phòng hộ H – Đ là nguyên đơn dân sự theo quy định tại Điều 63 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Quan điểm của người viết thì xác định Ban quản lý rừng phòng hộ H – Đ là bị hại theo Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự, vì:
Điều 51 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định: Người bị hại là người bị thiệt hại về vật chất, tinh thần hoặc tài sản do phạm tội gây ra.
Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do phạm tội gây ra hoặc de dọa gây ra.

Sau chặt phá đốn hạ, rừng nhọc nhằn hồi sinh
Như vậy, bị hại theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 có các điểm mới so với Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 là:
- Vật chủ thể bao gồm không chỉ cá nhân mà còn là cơ quan, tổ chức.
- Về thiệt hại do tội phạm gây ra: Cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản còn nếu là cơ quan, tổ chức thì bị thiệt hại về tài sản, uy tín.
Ngoài ra, bị hại còn có thêm một số quyền mà nguyên đơn dân sự không có như: Được tham gia tố tụng hay cả trong trường hợp không có yêu cầu, quyền trình bày buộc tội tại phiên tòa, quyền đề nghị hình phạt, quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án. Nguyên đơn dân sự chỉ có quyền kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại.
Trên đây là trao đổi của cá nhân mong được sự góp ý của các đồng nghiệp.
Phùng Nam Hải