TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
————————————————— | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
——————————————————————————————— |
Số: /2020/TT-TANDTC (Dự thảo 2) | Hà Nội, ngày tháng năm 2020 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN
TRONG HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngày 16 tháng 6 năm 2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao;
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư quy định chi tiết trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết về trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Điều 2. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp huyện trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện
Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện trực tiếp hoặc phân công một Phó Chánh án giúp Chánh án tổ chức, quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án mình, thực hiện các công việc sau đây:
a) Phân công bộ máy giúp việc tại Tòa án nhân dân cấp huyện thực hiện những trách nhiệm tại khoản 3 Điều này.
b) Phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại đối với mỗi tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, khiếu kiện hành chính.
c) Phân công Thẩm phán khác tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong trường hợp Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại tại Tòa án không thể tham gia vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc lý do chính đáng.
d) Tổ chức việc tuyển chọn người đủ điều kiện có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên; lập danh sách những người đủ điều kiện quy định tại các điểm a, b và c Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh sách của tỉnh tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức.
đ) Tổ chức thực hiện việc lập danh sách đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Hòa giải viên.
e) Tổ chức thực hiện việc bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và các điều kiện khác để phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
g) Đánh giá, nhận xét kết quả làm việc của các Hòa giải viên làm việc tại Tòa án mình và đề xuất Tòa án nhân dân cấp tỉnh khen thưởng hoặc xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên.
h) Định kỳ hàng năm, tổ chức rút kinh nghiệm về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án mình.
i) Định kỳ hàng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Hòa giải viên; chỉ đạo việc theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại.
k) Báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong báo cáo công tác chung của Tòa án hoặc báo cáo đột xuất khi Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu.
l) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức cùng cấp tại địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức khác nhau.
m) Thực hiện và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ khác của Tòa án mình theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và văn bản quy định chi tiết Luật này.
2. Trách nhiệm của Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại
a) Chỉ định Hòa giải viên thực hiện hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
b) Tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc có lý do chính đáng mà không thể tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì báo cáo Chánh án Tòa án để phân công Thẩm phán khác tham gia hoặc thông báo Hòa giải viên để hoãn phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
c) Xem xét công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án đối với những vụ việc mà mình tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trừ trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc có lý do chính đáng.
d) Hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại.
đ) Giúp Chánh án trong việc thực hiện đánh giá, nhận xét kết quả làm việc của Hòa giải viên.
3. Trách nhiệm của bộ máy giúp việc tại Tòa án nhân dân cấp huyện
a) Giúp Chánh án trong việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án cấp huyện; chuẩn bị cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án mình theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Thông tư này; dự toán kinh phí phục vụ hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án mình gửi Tòa án nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo Tòa án nhân dân tối cao; thực hiện chi trả thù lao cho Hòa giải viên làm việc tại Tòa án mình; cấp phát văn phòng phẩm và các thiết bị khác phục vụ hoạt động hòa giải, đối thoại cho Hòa giải viên theo quy định; thực hiện thu, chi và quyết toán chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án hàng năm theo quy định.
b) Giúp việc Chánh án trong việc tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; nghiên cứu, tham mưu Chánh án trong việc xác định vụ việc đủ điều kiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
c) Thực hiện các thủ tục giao hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ vụ việc trong quá trình chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án, xem xét công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
d) Giúp Chánh án trong việc quản lý, theo dõi, vào sổ danh sách vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án.
đ) Giúp Chánh án trong việc quản lý, theo dõi, cập nhật danh sách Hòa giải viên; việc sử dụng thẻ của Hòa giải viên; kết quả giải quyết vụ việc của Hòa giải viên.
e) Giúp Chánh án trong việc đánh giá nhu cầu bồi dưỡng, tập huấn của Hòa giải viên báo cáo Tòa án nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo Tòa án nhân dân tối cao.
g) Thực hiện việc tống đạt văn bản theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; lưu trữ các giấy tờ, tài liệu trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
h) Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên theo từng tháng.
i) Giúp Chánh án trong việc xây dựng báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các nhiệm vụ khác do Chánh án giao.
Điều 3. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh
Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh trực tiếp hoặc phân công một Phó Chánh án tổ chức, quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án mình, thực hiện các công việc sau đây:
a) Phân công bộ máy giúp việc tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện những trách nhiệm tại khoản 3 Điều này.
b) Phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại đối với mỗi tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, khiếu kiện hành chính.
c) Phân công Thẩm phán khác tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong trường hợp Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại tại Tòa án không thể tham gia vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc lý do chính đáng.
d) Tổ chức việc tuyển chọn người đủ điều kiện có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên; lập danh sách những người đủ điều kiện quy định tại các điểm a, b và c Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để đưa vào danh sách của Tòa án hai cấp thuộc tỉnh mình tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức.
đ) Tổ chức thực hiện việc lập danh sách và ra quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân hai cấp thuộc tỉnh mình.
e) Tổ chức thực hiện việc bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và các điều kiện khác để Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân hai cấp thuộc tỉnh mình.
g) Đánh giá, nhận xét kết quả làm việc của các Hòa giải viên làm việc tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
h) Xem xét, quyết định khen thưởng, xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên làm việc tại Tòa án nhân dân hai cấp thuộc tỉnh mình.
i) Xem xét, giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên làm việc tại Tòa án nhân dân hai cấp thuộc tỉnh mình.
k) Định kỳ hàng năm, tổ chức rút kinh nghiệm về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Tòa án nhân dân hai cấp thuộc tỉnh mình.
l) Định kỳ hàng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại cho Hòa giải viên làm việc Tòa án nhân dân hai cấp thuộc tỉnh mình. Chỉ đạo việc theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án mình.
m) Báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong báo cáo công tác chung của Tòa án hoặc báo cáo đột xuất khi Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu.
n) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức cùng cấp tại địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức khác nhau.
o) Thực hiện và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ khác của Tòa án mình theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và văn bản quy định chi tiết Luật này.
2. Trách nhiệm của Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại
a) Chỉ định Hòa giải viên thực hiện hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
b) Tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc có lý do chính đáng mà không thể tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì báo cáo Chánh án Tòa án để phân công Thẩm phán khác tham gia hoặc thông báo Hòa giải viên để hoãn phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
c) Xem xét công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án đối với những vụ việc mà mình tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trừ trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc có lý do chính đáng.
d) Hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại.
đ) Giúp Chánh án trong việc thực hiện đánh giá, nhận xét kết quả làm việc của Hòa giải viên.
3. Trách nhiệm của bộ máy giúp việc tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh
a) Giúp Chánh án trong việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án cấp tỉnh; chuẩn bị cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án mình theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Thông tư này; tổng hợp dự toán kinh phí phục vụ hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án tỉnh mình hằng năm báo cáo Tòa án nhân dân tối cao; thực hiện chi trả thù lao cho Hòa giải viên làm việc tại Tòa án mình; cấp phát văn phòng phẩm và các thiết bị khác phục vụ hoạt động hòa giải, đối thoại cho Hòa giải viên theo quy định; thực hiện thu, chi và quyết toán chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án hành năm theo quy định.
b) Giúp việc Chánh án trong việc tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu. Nghiên cứu, tham mưu Chánh án trong việc xác định vụ việc đủ điều kiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án để chuyển Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại xử lý theo trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án hoặc trình Chánh án giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính đối với vụ việc không đủ điều kiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
c) Thực hiện các thủ tục giao hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ vụ việc trong quá trình chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án, xem xét công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
d) Giúp Chánh án trong việc quản lý, theo dõi, vào sổ danh sách vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án.
đ) Giúp Chánh án trong việc quản lý, theo dõi, cập nhật danh sách Hòa giải viên; việc sử dụng thẻ của Hòa giải viên; kết quả giải quyết vụ việc của Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân hai cấp thuộc tỉnh mình.
e) Giúp Chánh án trong việc xử lý Hòa giải viên vi phạm, tiếp nhận đơn và giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh về xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên.
g) Giúp Chánh án trong việc nắm bắt trình độ, năng lực thực tiễn, nhu cầu bồi dưỡng, tập huấn của Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân hai cấp thuộc tỉnh mình để báo cáo Tòa án nhân dân tối cao.
h) Hỗ trợ Hòa giải viên trong công việc tống đạt; lưu trữ các giấy tờ, tài liệu trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án và công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.
i) Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên tại Tòa án mình theo từng tháng.
k) Giúp Chánh án trong việc xây dựng báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các nhiệm vụ khác do Chánh án giao.
Điều 4. Trách nhiệm của Học viện Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Học viện Tòa án có trách nhiệm tập huấn, bồi dưỡng, giảng dạy chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
1. Xây dựng tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho người phải tham gia bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm Hòa giải viên; tài liệu tập huấn về hòa giải, đối thoại cho Hòa giải viên, Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại và cán bộ Tòa án; xây dựng chương trình và tài liệu giảng dạy cho sinh viên về hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
2. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại đối với những người được tuyển chọn để bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án;
3. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại đối với Hòa giải viên trên toàn quốc ít nhất 01 tuần/lần/năm; đối với Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại và cán bộ Tòa án ít nhất 02 ngày/lần/năm.
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 5. Trách nhiệm của Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Tham mưu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác bổ nhiệm, quản lý Hòa giải viên.
2. Theo dõi, quản lý, cập nhật danh sách Hòa giải viên trong toàn hệ thống Tòa án.
3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 6. Trách nhiệm của Cục Kế hoạch - Tài chính Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Lập dự toán kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án hàng năm, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội quyết định.
2. Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án của các Tòa án và đơn vị dự toán trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước.
3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 7. Trách nhiệm của Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao
1. Chủ trì, phối hợp với Tạp chí Tòa án, Báo Công lý và các đơn vị trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao có liên quan giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
2. Phối hợp với Cục Kế hoạch - Tài chính và các đơn vị có liên quan trong việc bố trí kinh phí và các điều kiện vật chất khác đảm bảo cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 8 Trách nhiệm của Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Xây dựng kế hoạch, trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong kế hoạch, chương trình công tác chung về thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng trong các Tòa án nhân dân theo từng thời kỳ, giai đoạn và hàng năm.
2. Giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp nhận và giải quyết đơn khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án nhân dân cấp tỉnh về quyết định buộc thôi làm Hòa giải viên.
3. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, Thẩm phán, Hòa giải viên trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
4. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng kinh phí, chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
5. Báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc cơ quan có thẩm quyền về công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
6. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 9. Trách nhiệm của Vụ Tổng hợp Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Tham mưu, giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong công tác thống kê, tổng hợp, đánh giá, cung cấp số liệu thống kê và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
2. Xây dựng hệ thống Sổ nghiệp vụ, biểu mẫu thống kê, phần mềm quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án liên thông với các phần mềm có liên quan áp dụng thống nhất cho các Tòa án nhân dân địa phương. Phần mềm, biểu mẫu thống kê về hòa giải, đối thoại bảo đảm theo các tiêu chí như sau:
a) Vụ việc đủ điều kiện chuyển sang hòa giải, đối thoại;
b) Vụ việc có ý kiến không đồng ý hòa giải, đối thoại (trong đó xác định rõ đối tượng không đồng ý hòa giải, đối thoại: người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan);
c) Vụ việc được tiến hành hòa giải, đối thoại;
d) Vụ việc được hòa giải thành, đối thoại thành;
đ) Vụ việc hòa giải không thành, đối thoại không thành;
e) Vụ việc không tiến hành hòa giải, đối thoại;
g) Vụ việc có người khởi kiện, người yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu trong quá trình hòa giải, đối thoại;
h) Vụ việc có yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;
i) Hòa giải viên được phân công giải quyết vụ việc;
k) Tiêu chí phân loại khác khi cần thiết.
3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn, tổ chức tập huấn về công tác thống kê, tổng hợp, lưu trữ hồ sơ và sử dụng phần mềm trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
4. Báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao hoặc cơ quan có thẩm quyền.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 10. Trách nhiệm của Vụ Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc sửa đổi, bổ sung tiêu chí thi đua, khen thưởng đối với Tòa án, Thẩm phán, cán bộ Tòa án và Hòa giải viên tại Tòa án phù hợp với quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
2. Phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc đề nghị xét, phong tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 11. Trách nhiệm của Vụ Hợp tác quốc tế Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong hợp tác quốc tế về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế về hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
2. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 12. Trách nhiệm của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Là đơn vị thường trực giúp việc Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao theo dõi, đôn đốc việc thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; là đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
2. Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tham mưu đề xuất việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới đảm bảo phù hợp với quy định của Luật.
3. Tham mưu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tổ chức thẩm định dự thảo các văn bản của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do các đơn vị khác trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo.
4. Tham mưu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong hướng dẫn các Tòa án nhân dân các vấn đề tổ chức, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 13. Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện bố trí cơ sở vật chất phục vụ hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án mình.
2. Phòng làm việc của Hòa giải viên và phòng hòa giải, đối thoại được đặt tại trụ sở Tòa án.
3. Phòng làm việc của Hòa giải viên tại Tòa án phải lắp đặt Biển hiệu có nội dung “Phòng làm việc của Hòa giải viên” và niêm yết danh sách Hòa giải viên.
4. Phòng hòa giải, đối thoại tại Tòa án được bố trí như sau:
a) Bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp vị trí ngồi của các bên tham gia hòa giải, đối thoại thể hiện sự bình đẳng; bàn, ghế trong phòng được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng, tạo sự thân thiện, gần gũi.
b) Lắp đặt Biển hiệu có nội dung “Phòng hòa giải, đối thoại” và niêm yết "Quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án".
c) Các trang thiết bị, cách thức bố trí trong Phòng hòa giải, đối thoại tại Tòa án; kích thước, màu sắc của Biển hiệu phải thống nhất theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.
d) Không được lắp hoặc sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình khi hòa giải, đối thoại. Trường hợp cần ghi âm, ghi hình buổi hòa giải, đối thoại phục vụ các công tác khác như báo cáo, truyền thông hoặc tập huấn trong hòa giải, đối thoại thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của các bên tham gia hòa giải, đối thoại.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2021.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng Công báo);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- TAND và TAQS các cấp;
- Thành viên HĐTP TANDTC; - Các đơn vị trực thuộc TANDTC;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ PC&QLKH TANDTC. | CHÁNH ÁN
Nguyễn Hòa Bình
|