Loading...
Skip to main content
Dự thảo 2: Thông tư quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định hòa giải viên

imageTÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

imageCỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:  /2020/TT-TANDTC

(Dự thảo 2)

Hà Nội, ngày   tháng   năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ TRÌNH TỰ NHẬN, XỬ LÝ ĐƠN KHỞI KIỆN,

ĐƠN YÊU CẦU TẠI TÒA ÁN VÀ CHỈ ĐỊNH HÒA GIẢI VIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngày 16 tháng 6 năm 2020;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao;

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết về trình tự, thủ tục nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên theo quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Điều 2. Thủ tục nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án

1. Khi nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính kèm theo tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 190 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 119 của Luật Tố tụng hành chính, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính nhận đơn, vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 121 của Luật Tố tụng hành chính.

2. Sau khi thực hiện việc nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ phận tiếp nhận đơn xem xét đơn và chuyển đơn cho Chánh án hoặc Phó Chánh án được phân công quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án để xử lý đơn.

Điều 3. Thủ tục lựa chọn hòa giải, đối thoại, lựa chọn Hòa giải viên của người khởi kiện, người yêu cầu

1. Tòa án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên theo quy định tại khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nếu vụ việc đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính;

b) Vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính;

c) Không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5, 6 và 7 Điều 19 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự, điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 123, điểm g khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính.

2. Thông báo nêu tại khoản 1 Điều này cần đính kèm danh sách Hòa giải viên tại Tòa án mình.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, người khởi kiện, người yêu cầu phải trả lời cho Tòa án biết về những nội dung đã được Tòa án thông báo. Hình thức trả lời có thể bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác như fax, thư điện tử theo địa chỉ nêu tại Thông báo của Tòa án. Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu trực tiếp đến Tòa án trình bày ý kiến thì Tòa án lập biên bản ghi nhận ý kiến của họ.

4. Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì phải thực hiện thủ tục lấy ý kiến của Hòa giải viên được lựa chọn và ý kiến của Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

5. Sau khi thực hiện thủ tục theo quy định tại khoản 4 Điều này mà nhận được ý kiến không đồng ý của Hòa giải viên, của Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc thì người khởi kiện, người yêu cầu có thể lựa chọn Hòa giải viên khác của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Thủ tục lựa chọn lại Hòa giải viên được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này, nếu người khởi kiện, người yêu cầu chưa có ý kiến trả lời thì Tòa án thông báo lại lần thứ hai cho người khởi kiện, người yêu cầu biết để thực hiện quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên.

Thông báo lần thứ hai của Tòa án và ý kiến trả lời của người khởi kiện, người yêu cầu phải có các nội dung quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

Điều 4. Phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại

Trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến đồng ý hòa giải, đối thoại hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư này mà người khởi kiện, người yêu cầu không trả lời Tòa án thì Chánh án hoặc Phó Chánh án quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án ra quyết định phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại.

Điều 5. Chỉ định Hòa giải viên

1. Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên theo sự lựa chọn của người khởi kiện, người yêu cầu trong các trường hợp sau đây:

a) Người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này;

b) Người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, đã được sự đồng ý của Hòa giải viên và Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc theo quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều 3 Thông tư này.

2. Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại tự mình chỉ định Hòa giải viên trong các trường hợp sau đây:

a) Người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn hòa giải, đối thoại theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này nhưng không lựa chọn Hòa giải viên;

b) Người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, nhưng Hòa giải viên hoặc Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc không đồng ý mà người khởi kiện, người yêu cầu không lựa chọn Hòa giải viên khác;

c) Quá thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo lần thứ hai quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư này mà người khởi kiện, người yêu cầu vẫn không trả lời.

3. Khi tự mình chỉ định Hòa giải viên theo quy định tại khoản 2 Điều này, Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại căn cứ vào tính chất của từng vụ việc, số lượng vụ việc mà Hòa giải viên đang giải quyết để chỉ định Hòa giải viên có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp với vụ việc đó.

4. Đối với vụ việc có liên quan đến người dưới 18 tuổi, thì Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại phải căn cứ vào trình độ chuyên môn, lĩnh vực và thời gian công tác của Hòa giải viên, đánh giá về kinh nghiệm, hiểu biết của Hòa giải viên về tâm lý của người dưới 18 tuổi để chỉ định Hòa giải viên phù hợp.

5. Quyết định chỉ định Hòa giải viên phải có nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ngày, tháng, năm;

b) Tên, địa chỉ của người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện;

c) Tên, địa chỉ của Hòa giải viên;

d) Tóm tắt nội dung khởi kiện, nội dung yêu cầu;

đ) Căn cứ để chỉ định Hòa giải viên;

e) Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hòa giải viên;

g) Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại ký tên và đóng dấu của Tòa án nhân dân.

Điều 6. Chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại

Trong thời hạn hai ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định chỉ định Hòa giải viên theo quy định tại Điều 4 Thông tư này, Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại thông báo bằng văn bản về việc chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại và quyết định chỉ định Hòa giải viên cho Hòa giải viên, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp Hòa giải viên được lựa chọn thuộc danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác thì văn bản chỉ định Hòa giải viên phải được gửi cho Tòa án đó.

Điều 7. Thủ tục lựa chọn hòa giải, đối thoại, lựa chọn Hòa giải viên của người bị kiện

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án quy định tại Điều 5 Thông tư này, người bị kiện phải trả lời cho Tòa án biết về việc đồng ý hoặc không đồng ý tiến hành hòa giải, đối thoại. Hình thức trả lời có thể bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác như fax, thư điện tử theo địa chỉ nêu tại Thông báo của Tòa án. Trường hợp người bị kiện trực tiếp đến Tòa án trình bày ý kiến thì Tòa án lập biên bản ghi nhận ý kiến của họ.

2. Trường hợp người bị kiện đề nghị thay đổi Hòa giải viên, Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên khác trong danhh sách Hòa giải viên của Tòa án mình trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị thay đổi.

Việc chỉ định lại Hòa giải viên được thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều 4 Thông tư này.

3. Tòa án gửi quyết định thay đổi Hòa giải viên cho Hòa giải viên được chỉ định, Hòa giải viên bị thay đổi, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày ra quyết định chỉ định.

Điều 8. Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại

1. Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại kể từ thời điểm nhận được ý kiến trả lời của Tòa án về việc người bị kiện đồng ý hòa giải, đối thoại hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này mà người bị kiện không trả lời Tòa án.

2. Trường hợp người bị kiện đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này, Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại kể từ thời điểm nhận được quyết định thay đổi Hòa giải viên.

Điều 9. Chuyển đơn để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng

Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại báo cáo Chánh án chuyển đơn để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này.

2. Người khởi kiện hoặc người bị kiện không đồng ý hòa giải, đối thoại.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2021.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để hướng dẫn bổ sung kịp thời.

 Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng Công báo);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- TAND và TAQS các cấp;
- Thành viên HĐTP TANDTC;

- Các đơn vị trực thuộc TANDTC;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ PC&QLKH TANDTC.

CHÁNH ÁN




Nguyễn Hòa Bình

Dự thảo 2: Thông tư quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định hòa giải viên

Loại văn bản Thông tư
Cơ quan soạn thảo
Toà án nhân dân tối cao
Ngày soạn thảo 15/09/2020
Ngày hết hạn lấy ý kiến

Dự thảo 2: Thông tư quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định hòa giải viên

Góp ý dự thảo

Nội dung góp của bạn đã được gửi đi thành công! Xin cảm ơn.
Lượt xem: 2482

HỆ THỐNG VĂN BẢN

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Truy cập trong ngày:

Tổng số lượng truy cập:

Địa chỉ : 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: 04.62741133
Email: banbientap@toaan.gov.vn, tatc@toaan.gov.vn.
Trưởng Ban biên tập: Ông Nguyễn Xuân Kỳ - Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao.

© Bản quyền thuộc về Tòa án nhân dân tối cao.
Đề nghị ghi rõ nguồn (Cổng TTĐT Tòa án nhân dân tối cao) khi đăng tải lại các thông tin, nội dung từ vbpq.toaan.gov.vn.

ácdscv